Ngành y tế nước ta đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc ứng dụng công nghệ số, như: Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; tích hợp dữ liệu y tế lớn; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán hình ảnh,... giúp nâng cao hiệu quả, tốc độ và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), Thạc sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thị Hồng Hoa cho biết: Là bệnh viện đa khoa hạng I, cấp chuyên môn kỹ thuật chuyên sâu, năm 2024 bệnh viện đã khám, chữa bệnh cho hơn 357 nghìn lượt người bệnh.
Đáng chú ý, các thầy thuốc ở đây đã thực hiện 14.500 kỹ thuật theo cấp chuyên môn kỹ thuật. Việc triển khai ứng dụng công nghệ cao đã mang lại kết quả rõ nét ở nhiều lĩnh vực, như: năm 2024 là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện kỹ thuật lấy đa mô tạng và ghép thận thành công từ người hiến sống và từ người hiến chết não; thực hiện chẩn đoán sớm ung thư nhờ các kỹ thuật tầm soát gene đột biến và chẩn đoán hình ảnh tiên tiến; nội soi 3D có độ chính xác cao đã giảm các can thiệp xâm lấn, thời gian can thiệp, sai sót; bảo tồn chức năng và rút ngắn thời gian hồi phục; ứng dụng AI trong đọc hình ảnh CT, MRI giúp nâng cao độ chính xác, cảnh báo sớm một số bệnh lý nguy hiểm…
Ngoài ra, nhờ việc triển khai Telemedicine (khám bệnh từ xa) kết nối với chuyên gia tại các trung tâm y tế lớn trong và ngoài nước như: Pháp, Bỉ, Thụy Điển, Singapore... đã giúp người bệnh được tiếp cận các phác đồ điều trị mới, các chuyên gia đầu ngành mà không phải chuyển tuyến trên; đồng thời đào tạo nhân viên ngay tại bệnh viện, phát huy hiệu quả nguồn nhân lực y tế.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Hoa, thách thức lớn nhất hiện nay khi triển khai kỹ thuật cao là đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu khá lớn cho trang thiết bị; đồng thời cần có chi phí duy trì và vận hành hệ thống nhằm bảo đảm an toàn người bệnh. Trong khi đó, chính sách bảo hiểm y tế hiện hành còn có độ trễ so với thực tiễn triển khai công nghệ, như: Nhiều kỹ thuật hiện đại chưa được đưa vào danh mục thanh toán bảo hiểm y tế; tỷ lệ đồng chi trả của người bệnh còn lớn, dẫn đến tình trạng nhiều người bệnh có chỉ định kỹ thuật cao nhưng do không đủ điều kiện kinh tế nên trì hoãn hoặc từ chối điều trị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe…
Đồng quan điểm nêu trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Bộ Y tế) chia sẻ: Bạch Mai là bệnh viện hạng đặc biệt, đã ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến như AI, phân tích dữ liệu lớn và tế bào gốc nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức cần được giải quyết như việc xây dựng và khai thác hiệu quả dữ liệu y tế lớn.mTrong khi đó, hiện các bệnh án điện tử, theo dõi điều trị qua phần mềm, AI hỗ trợ chẩn đoán… chưa có hướng dẫn thanh toán cụ thể; giá dịch vụ hiện nay vẫn chưa tính đủ chi phí đầu tư thiết bị, hao mòn công nghệ, vật tư tiêu hao đặc thù… dẫn đến các bệnh viện phải bù đắp chi phí khi triển khai kỹ thuật, công nghệ mới cho nên hạn chế khả năng mở rộng kỹ thuật chất lượng cao trong hệ thống công lập.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, thời gian qua chất lượng chẩn đoán, điều trị bệnh ở nước ta tiếp tục được cải thiện; hệ thống bệnh viện không ngừng được mở rộng, năng lực y tế cơ sở được củng cố, kỹ thuật cao được chuyển giao sâu rộng về cơ sở; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm đạt hơn 94% đã giúp đáng kể gánh nặng chi phí cho người bệnh, nhất là nhóm yếu thế. Đặc biệt, chuyển đổi số trong y tế có nhiều bước tiến quan trọng, như hồ sơ sức khỏe điện tử và khám chữa bệnh từ xa bước đầu được triển khai đồng bộ giúp rút ngắn thời gian tiếp cận, tăng tính minh bạch và nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị. Tuy nhiên, quyền lợi của người bệnh vẫn còn những bất cập; nhiều cơ sở y tế quá tải, thời gian chờ đợi kéo dài, chi phí ngoài luồng vẫn tồn tại; việc liên thông dữ liệu chưa đồng bộ dẫn đến tình trạng xét nghiệm, chẩn đoán trùng lặp, gây tốn kém và ảnh hưởng đến chất lượng điều trị…
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh, nhất là áp dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, hiện ngành y tế định hướng sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế để cụ thể hóa một số nội dung, tiến tới thực hiện khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân. Dự kiến thời gian tới, Việt Nam sẽ sửa toàn bộ Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có nhiều nội dung sẽ được ưu tiên, đặc biệt áp dụng các kỹ thuật cao để sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh nguy hiểm.
Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí Nguyễn Thị Hồng Hoa cũng đề nghị Bộ Y tế cần phối hợp các bộ, ngành liên quan sớm bổ sung danh mục kỹ thuật cao được bảo hiểm y tế chi trả, dựa trên bằng chứng khoa học và dữ liệu lâm sàng; xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển kỹ thuật cao trong giai đoạn đầu ứng dụng tại các bệnh viện công lập, nhất là đối với các kỹ thuật có tính chiến lược như y học chính xác, xạ trị hiện đại, rô-bốt phẫu thuật; tăng mức chi trả hoặc giảm tỷ lệ đồng chi trả đối với kỹ thuật tiên tiến, đặc biệt trong các nhóm bệnh nặng, mạn tính, bệnh hiếm và trẻ em.