Trong số các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ xuất hiện và gia tăng giai đoạn này, phải kể đến cúm mùa, sởi, thủy đậu, tay chân miệng... Đây đều là những bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ lây lan và ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng tại môi trường tập thể như trường học, cơ sở giáo dục mầm non. Nhận thức được mức độ nguy hiểm và tính lây lan nhanh của các loại bệnh, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho phụ huynh và học sinh, đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp vệ sinh, phòng bệnh, đặc biệt là thực hiện theo nguyên tắc “3 sạch” (ăn sạch, uống sạch, ở sạch). Xác định công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ là nhiệm vụ quan trọng, Trường Mầm non Thanh Trường (TP. Điện Biên Phủ) đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ sức khỏe cho trẻ một cách tốt nhất trong giai đoạn giao mùa.
Cô Kiều Thanh Huyền, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trong mọi hoạt động, nhà trường luôn quan tâm việc phòng, chống dịch bệnh cho trẻ. Thời điểm giao mùa, nhà trường lên kế hoạch cụ thể, thông báo đến phụ huynh qua bảng tuyên truyền và các kênh liên lạc như nhóm zalo lớp, nhằm nâng cao nhận thức và phối hợp chăm sóc sức khỏe cho các bé”. Việc nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng bệnh không chỉ được truyền đạt tới phụ huynh mà còn là yêu cầu bắt buộc đối với giáo viên. Tại trường, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với cán bộ y tế nhà trường theo dõi sát sao tình hình sức khỏe từng trẻ, ghi chép đầy đủ vào sổ theo dõi sức khỏe và biểu đồ phân loại. Các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đều được báo cáo ngay để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh lây lan. “Chúng tôi mong muốn xây dựng một môi trường giáo dục không chỉ thân thiện mà còn an toàn về mặt sức khỏe cho trẻ, nhất là trong mùa hè khi các bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng mạnh” - cô Huyền khẳng định.
Thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 1.000 trường hợp mắc sởi, gần 1.600 trường hợp mắc cúm, hơn 2.600 ca tiêu chảy và gần 430 trường hợp bị thủy đậu... Bước vào giai đoạn giao mùa, các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát cao hơn. Trước thực tế đó, ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh từ sớm.
Bác sĩ Phạm Đức Tài, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Chúng tôi đã đề nghị các trung tâm y tế cấp huyện tổ chức tiêm chủng bổ sung cho những đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vắc xin, đặc biệt là vắc xin phòng bệnh sởi. Bên cạnh đó, công tác giám sát dịch tễ được thực hiện thường xuyên, liên tục để kịp thời phát hiện sớm các ca bệnh, phân tích, đánh giá nguy cơ, từ đó đề xuất biện pháp phù hợp nhằm ứng phó kịp thời”. Ngoài việc đẩy mạnh tiêm chủng, ngành Y tế tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe tới người dân. Nội dung như vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín uống chín… được phổ biến rộng rãi thông qua các hình thức đa dạng như họp tổ dân phố, phát tờ rơi, loa truyền thanh, tổ chức các buổi tập huấn, sinh hoạt cộng đồng. Phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục tổ chức tuyên truyền hướng dẫn tại các trường học, đặc biệt các nhà trẻ, mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học. Thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục khi phát hiện trường hợp mắc bệnh, thông báo ngay cho cơ quan y tế tại địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời. Ngành Y tế cũng chú trọng phát động chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy - nguồn sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Các vật dụng phế thải đọng nước được khuyến cáo dọn bỏ định kỳ.
Cán bộ y tế cơ sở đóng vai trò then chốt trong việc giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, đồng thời thực hiện cách ly và xử lý ổ dịch một cách kịp thời, hiệu quả, không để dịch lây lan rộng trong cộng đồng. Trong các cơ sở khám, chữa bệnh, việc tổ chức thu dung, điều trị bệnh nhân được chú trọng, đặc biệt đối với bệnh nhân nặng, nhằm hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Công tác phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị cũng được đặt lên hàng đầu, nhất là giữa bệnh tay chân miệng, sởi và các bệnh viêm đường hô hấp cấp tính khác. Đồng thời chủ động chuẩn bị đầy đủ thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất và trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch. Ngành Y tế đã tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở trực tiếp tiếp xúc và xử lý các ca bệnh đầu tiên.
Trong bối cảnh thời tiết thay đổi nhanh, diễn biến dịch bệnh khó lường, sự vào cuộc đồng bộ từ ngành y tế, giáo dục, cùng với sự hợp tác chặt chẽ của các bậc phụ huynh và toàn thể cộng đồng là yếu tố then chốt để không chỉ kiểm soát dịch bệnh mà còn bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em. Việc chủ động, sẵn sàng và kiên trì các giải pháp đã và đang triển khai chính là cách để mang lại một môi trường sống và học tập đảm bảo an toàn cho toàn xã hội.