Cánh đồng Mường Thanh – vựa lúa lớn nhất vùng Tây Bắc đang bước vào mùa thu hoạch. Cả cánh đồng trải dài ngút mắt trong sắc vàng óng ả của lúa chín, từng bông lúa trĩu hạt cúi đầu đợi bàn tay người gặt hái. Tiếng cười nói rôm rả của bà con nông dân, tiếng máy gặt, máy tuốt, xe kéo lúa rộn vang trên khắp các thửa ruộng, như bản hòa ca của một mùa vàng no đủ.
Mùa vàng bội thu
Vụ đông xuân 2024 – 2025, cánh đồng lòng chảo Mường Thanh được phủ kín hơn 4.100ha lúa, chủ yếu là các giống lúa chất lượng cao như Séng cù, Tám thơm, Đài thơm, 97… Mặc dù trong suốt vụ mùa, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cùng nông dân đã chủ động, kiên trì “bám đồng, bám ruộng” nhằm hạn chế ảnh hưởng của sâu bệnh, thời tiết tác động lên các trà lúa.
Cuối vụ, các trà lúa chín đều, hạt chắc, bông trĩu nặng, cho thấy một vụ mùa thắng lợi hơn năm trước. Các giống Đài thơm, 97, Tám thơm cho năng suất đạt khoảng 80 tạ/ha. Riêng giống Séng cù năng suất đạt từ 60 - 70 tạ/ha, mang lại niềm vui lớn cho người trồng lúa.
Bà Trần Thị Nhàn, đội C9, xã Thanh Xương phấn khởi cho biết: “Vụ này, gia đình tôi gieo cấy 7.000m² giống lúa Séng cù. Dù thời tiết năm nay khá thất thường, bệnh đạo ôn lá và cổ bông diễn biến phức tạp, nhưng nhờ chủ động phòng trừ từ sớm nên gần như toàn bộ diện tích không bị sâu bệnh gây hại. So với vụ đông xuân năm trước, đây thực sự là một thành công lớn. Nhờ đó, năng suất cuối vụ tăng đáng kể, ước đạt 70 tạ/ha. Với diện tích 7.000m², tôi thu về gần 5 tấn thóc”.
Không chỉ chủ động trong khâu phòng trừ dịch hại, vụ đông xuân năm nay, nông dân trên cánh đồng Mường Thanh còn tích cực ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, từ khâu làm đất, gieo cấy cho đến thu hoạch. Đặc biệt, việc đưa máy cấy vào thay thế phương pháp gieo sạ truyền thống đã mang lại nhiều lợi ích rõ rệt: giảm tỷ lệ lúa lẫn trên đồng tới 80–90%, tiết kiệm khoảng 30% lượng giống, qua đó cắt giảm chi phí đầu vào. Ở khâu thu hoạch, cơ giới hóa đạt tỷ lệ hơn 95% diện tích, góp phần quan trọng nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế cho người trồng lúa.
Ông Nguyễn Hữu Thành, đội 4, xã Thanh Yên chia sẻ: “Cơ giới hóa trong sản xuất lúa đã thực sự mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Không chỉ giúp giải phóng sức lao động, tiết kiệm chi phí, mà còn nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích”.
Vụ đông xuân năm nay, ông Thành gieo cấy hơn 6.000m² lúa và toàn bộ quy trình, từ làm đất, cấy đến thu hoạch đều được cơ giới hóa. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt, ước tính cao hơn khoảng 30% so với phương pháp canh tác truyền thống.
Khác với khu vực trung tâm, tại các vùng ngoài cánh đồng Mường Thanh như: Pom Lót, Sam Mứn, Noong Luống, do nằm ở cuối hệ thống kênh thủy lợi nên lịch thời vụ thường muộn hơn. Hiện tại, các địa phương này đang bước vào giai đoạn thu hoạch lúa đông xuân. Theo ghi nhận từ bà con nông dân, vụ mùa năm nay được đánh giá thắng lợi hơn hẳn so với năm trước, cả về năng suất lẫn chất lượng hạt thóc.
Bà Nguyễn Thị Vui, thôn 1, xã Pom Lót chia sẻ: “Gia đình tôi có 4.000m² ruộng, trong đó gieo cấy 2.000m² giống Đài thơm, phần còn lại là giống Séng cù. Đến thời điểm này, tôi đã thu hoạch được khoảng 40% diện tích. Qua theo dõi, năng suất giống Đài thơm đạt khoảng 80 tạ/ha, còn Séng cù cũng đạt 71 tạ/ha – cao hơn vụ trước”.
Thành công các mô hình thử nghiệm
Vụ đông xuân năm nay, tỉnh Điện Biên đã thủ nghiệm một số mô hình canh tác lúa mới trên cánh đồng Mường Thanh như: Mô hình canh tác lúa thông minh giảm phát thải khí nhà kính; canh tác lúa hữu cơ; VietGap. Qua đánh giá, các mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Năng suất lúa vượt trội so với phương pháp canh tác cũ, ước đạt khoảng 75 tạ/ha.
Với mục tiêu, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo hướng sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thân thiện với môi trường. Vụ đông xuân năm 2024 – 2025, tỉnh Điện Biên đã thử nghiệm mô hình canh tác lúa thông minh giảm phát thải khí nhà kinh tại cánh đồng Mường Thanh với diện tích 53ha.
Sau một vụ triển khai, mô hình canh tác lúa thông minh giảm phát thải khí nhà kính đã mang lại kết quả tích cực. Năng suất lúa Đài thơm đạt khoảng 74,56 tạ/ha (cao hơn 3 tạ/ha so với gieo cấy truyền thống), Séng Cù đạt trên 51 tạ/ha (cao hơn 5 tạ/ha). Mô hình giúp giảm 172 tín chỉ carbon, góp phần bảo vệ môi trường đồng ruộng. Đồng thời, nông dân có thêm khoản thu nhập từ nguồn thưởng giảm tín chỉ carbon khoảng 880.000 đồng/ha, nâng tổng thu nhập tăng thêm từ 4,8 – 9,3 triệu đồng/ha lúa.
Vụ đông xuân năm nay, chị Trần Thị Lợi, đội Chăn Nuôi 2 (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) tham gia mô hình với 4.000m2 ruộng gieo cấy giống Séng cù. Sau thu hoạch, chị Hanh rất phấn khởi vì phương pháp canh tác mới giúp giảm khoảng 30% chi phí sản xuất, cây lúa khỏe, ít sâu bệnh. Nhờ đó, năng suất, sản lượng lúa cuối vụ ước đạt 75 tạ/ha, cao hơn hẳn so với phương pháp gieo cấy truyền thống.
Chị Trần Thị Lợi cho biết: “Mô hình mới không chỉ mang lại hiệu quả vượt trội trong quá trình canh tác và sản xuất mà còn được doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản xuất ngay tại đồng ruộng. Bên cạnh đó, các hộ tham gia còn được hưởng thêm nguồn thu nhập từ nguồn thưởng báo cáo giảm tín chỉ Carbon từ Công ty NetZero Carbon với đơn giá 20USD/1 tấn giảm phát CO2e (1 tín chỉ carbon quy đổi)”.
Được biết, trong thời gian tới, huyện dự kiến tiếp tục triển khai mô hình điểm sản xuất lúa hữu cơ với quy mô 30ha tại xã Thanh Luông. Ông Nguyễn Gia Tuấn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Điện Biên cho biết: “Từ những kết quả tích cực bước đầu của các mô hình đã thực hiện, huyện Điện Biên đặt mục tiêu nhân rộng các mô hình canh tác lúa ứng dụng công nghệ cao trên cánh đồng Mường Thanh. Việc này không chỉ nhằm nâng cao năng suất và sản lượng mà còn góp phần gia tăng giá trị, khẳng định thương hiệu gạo Điện Biên trên thị trường. Đây là bước đi quan trọng trong định hướng phát triển nông nghiệp bền vững”.