Bài 3: Bắt nhịp số hóa, nâng cao chất lượng giáo dục
Bài 2: Biến thử thách thành cơ hội
Đổi mới công tác giảng dạy
Hiện nay, hầu hết các buổi học của Trường Tiểu học Thanh Xương số 1 (huyện Điện Biên) đều áp dụng công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy. Giáo viên thường xuyên thiết kế giáo án điện tử, trình chiếu bài giảng sinh động với hình ảnh, video, âm thanh giúp học sinh hứng thú hơn trong tiếp thu kiến thức. Để đạt hiệu quả trong ứng dụng CNTT, các thầy cô đã không ngừng học hỏi, rèn luyện kỹ năng sử dụng công nghệ và tận dụng tốt điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng viễn thông hiện có.
Thầy giáo Hoàng Ngọc Vĩnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý và giảng dạy, khai thác thư viện bài giảng điện tử, sử dụng thư điện tử và phần mềm hỗ trợ dạy học hằng ngày. Đội ngũ giáo viên đã nhận thức rõ vai trò của công nghệ và áp dụng rất hiệu quả”.
Không riêng Trường Tiểu học Thanh Xương số 1, tại nhiều trường học trên địa bàn huyện Điện Biên, chuyển đổi số cũng được triển khai đồng bộ. Đến nay, 100% giáo viên sử dụng giáo án điện tử, văn bản điều hành đều thực hiện bằng hình thức số hóa. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, mỗi năm, toàn ngành có hơn 10.000 tiết học ứng dụng CNTT. Nhờ sự chỉ đạo sát sao và nỗ lực từ các cơ sở giáo dục, việc nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực....
Những tiết học sử dụng máy chiếu, các thiết bị điện tử để giảng dạy… đã không còn xa lạ với thầy và trò các trường học trên địa bàn huyện Mường Chà. Những bài giảng bằng giáo án điện tử được trình chiếu trên màn hình có video, hình ảnh, âm thanh sinh động của thầy cô giáo đã tạo ra sự cuốn hút, hứng thú đối với học sinh. Công tác chuyển đổi số được tất cả các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Mường Chà chú trọng thực hiện trong cả giảng dạy và công tác quản lý. Hiện nay, 100% giáo viên sử dụng giáo án điện tử, các kế hoạch, văn bản điều hành, chỉ đạo của Ban Giám hiệu đều sử dụng văn bản số.
“Việc chuyển đổi số trong công tác giáo dục là việc làm hết sức cần thiết hiện nay. Chuyển đổi số sẽ tạo thuận lợi cho việc quản lý cũng như giảng dạy đối với các đơn vị nhà trường. Xác định vai trò của công tác chuyển đổi số, chúng tôi đã tham mưu với UBND huyện bổ sung thêm điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để nhà trường có điều kiện tốt nhất chuyển đổi số” - ông Nguyễn Văn Long, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà cho biết.
Xây dựng môi trường quản lý số
Chỉ cần một cú click chuột trên hệ thống, thông tin của học sinh, đội ngũ giáo viên và những biến động trong nhà trường, văn bản chỉ đạo của cấp trên… đều được Ban Giám hiệu Trường THCS xã Pom Lót (huyện Điện Biên) cập nhật và nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng thông qua hệ thống phần mềm quản lý. Dữ liệu của ngành Giáo dục đã được cập nhật vào hệ thống phần mềm giúp cán bộ quản lý tiện lợi hơn thay vì quản lý thông qua hồ sơ, sổ sách như thời gian trước đây.
Cô giáo Trần Thị Bích Nga, Hiệu trưởng Trường THCS xã Pom Lót (huyện Điện Biên) cho biết: Đối với việc chuyển đổi số, 100% cán bộ, giáo viên nhà trường đều đồng tình, ủng hộ và thực hiện chủ trương lớn này. Và đặc biệt là trong quản lý chuyển đổi số, nhà trường có các phần mềm, cơ sở dữ liệu mà các giáo viên cập nhật thường xuyên liên tục, đảm bảo đúng đủ, chính xác số liệu. Những năm học vừa qua, giáo viên nhà trường đã được tập huấn sử dụng sổ điểm điện tử, giúp thuận lợi hơn rất nhiều trong việc lưu lại hồ sơ, sổ điểm cũng như đánh giá học sinh thay vì phải ghi chép bằng tay như trước.
Nếu như thời gian trước, công tác quản lý trong giáo dục chủ yếu thông qua hồ sơ, sổ sách là chính, giờ đây, việc quản lý hồ sơ, sổ sách của cán bộ, giáo viên đã được đơn giản hóa bằng công nghệ thông tin. Dữ liệu của ngành Giáo dục đã được cập nhật vào hệ thống phần mềm, giúp cán bộ quản lý tiện lợi mà không rườm rà về mặt sổ sách. Ngành cũng thực hiện cải cách thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4 trong các nội dung tuyển sinh, đăng ký thi tốt nghiệp THPT, đăng ký các trường đại học, cao đẳng. Các đơn vị trường cũng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Bà Hoàng Tuyết Ban, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong quản lý giáo dục. Đến nay, 90% trường học sử dụng phần mềm quản lý; 100% cơ sở giáo dục chấp nhận thu nhận học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và có thể thực hiện thanh toán chế độ, chính sách và các khoản thu khác bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đối với việc thực hiện thanh toán chế độ tiền lương và các chế độ, phụ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành đạt tỷ lệ 100% thực hiện thanh toán theo phương thức không dùng tiền mặt. Tính đến thời điểm cuối năm học 2023 - 2024, tỷ lệ cha mẹ học sinh/học sinh có tài khoản ngân hàng đạt tỷ lệ 95,46%; tỷ lệ thực hiện thu nộp học phí và các khoản thu, chi trả chế độ, chính sách cho học sinh đạt tỷ lệ 100%.
Ngoài ra, thủ tục hành chính phát sinh hồ sơ tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Sở Giáo dục và Đào tạo đã được số hóa kết quả để tái sử dụng dữ liệu và khai thác triệt để thông tin. Tính từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/12/2024, tổng số thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết của Sở GDĐT phát sinh trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh là 126 hồ sơ, trong đó có 118 hồ sơ đã giải quyết trước hạn (8 hồ sơ chưa đến hạn giải quyết)…
Bài 4: Tiên phong hoàn thành phổ cập AI cho giáo viên